TTO – Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, ngày 24-6 nhận định Việt Nam có tiềm năng dẫn đầu Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng bền vững mà không phải hi sinh tăng trưởng kinh tế.
“Kể từ năm 1990, Anh đã giảm 42% mức khí thải trong khi vẫn mở rộng kinh tế đến 72%. Đây là ví dụ cho thấy chúng ta không cần đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và sử dụng năng lượng bền vững.
Tôi rất vui khi thấy Việt Nam đã đi đến kết luận tương tự và chú trọng xây dựng ngành năng lượng tái tạo kể từ năm 2019. Việt Nam có tiềm năng để dẫn đầu Đông Nam Á trong việc chuyển đổi sang năng lượng bền vững”, ông Ward nói.
Trả lời Tuổi Trẻ Online về tiềm năng hợp tác giữa Anh và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, ông Ward cho biết phía Anh vẫn làm việc sát sao với Việt Nam trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển ngành.
“Trong 2-3 năm qua, chúng tôi đã bắt đầu làm việc sâu sát hơn với Việt Nam trong lĩnh vực này, vì Việt Nam đã đặt ra điều kiện cho sự phát triển thật sự của năng lượng mặt trời và tiếp theo là năng lượng gió.
Vậy nên, Chính phủ Anh duy trì sự hợp tác mạnh mẽ [cùng Việt Nam] ở cấp nhà nước để tập trung vào các vấn đề như hiệu năng, đầu tư mới và quảng bá năng lượng tái tạo”, đại sứ Anh khẳng định trong chuyến thăm một dự án năng lượng mặt trời tại Long An.
“Năng lượng mặt trời trên các mái nhà là mô hình hoàn hảo cho Việt Nam và ngành sản xuất đang bùng nổ của mình. Mô hình này cho phép các doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất trong khi vẫn tiết kiệm được chi phí tiêu thụ năng lượng, cải thiện môi trường và giảm ô nhiễm không khí”, ông Borries Plass, giám đốc điều hành (COO) của Công ty năng lượng Shire Oak International, cho biết.
Đại sứ Gareth Ward: Rất vui khi thấy Việt Nam chú trọng xây dựng ngành năng lượng tái tạo – Ảnh: NGUYÊN HẠNH
Theo Shire Oak, các nhà sản xuất năng lượng mặt trời có thể bán điện cho cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đối tác bên ngoài.
Điều này giúp cả bên mua và bên bán đàm phán mức giá và phương thức sử dụng năng lượng chủ động hơn, tạo tiền đề khuyến khích đầu tư quy mô lớn vào ngành năng lượng mặt trời ở Việt Nam.
Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết việc phát triển năng lượng mặt trời có thể tạo ra khoảng 25.000 việc làm mới tại Việt Nam mỗi năm cho đến năm 2030, và thêm 20.000 việc làm nữa cho mảng sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, WB nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng mặt trời sẽ có vai trò then chốt để Chính phủ Việt Nam đạt được Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) trong mục tiêu hạn chế biến đổi khí hậu.
Đầu tháng 4-2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh tham vọng xây dựng lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Thủ tướng cũng đã ban hành quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (gọi tắt là quyết định 13), thay thế cho quyết định ngày 30-06-2019.
Theo quyết định 13, giá mua điện dự án điện mặt trời mặt đất là 7,09 Uscent/kWh (tương đương 1.644 đồng). Giá mua điện mặt trời nổi là 7,69 Uscent/kWh (tương đương 1.783 đồng), và điện mặt trời mái nhà là 8,38 Uscent/kWh (khoảng 1.943 đồng).
Nguồn: Tuoitre.vn