Sau nhiều biến chuyển của thị trường, Việt Nam hiện nay đã trở thành một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư phát triển điện mặt trời. Với ngày càng đông đúc các dự án tái tạo quy mô lớn, điều tiếp theo Việt Nam cần là một giải pháp quản lý tài sản hiệu quả, nhằm cải thiện hiệu suất phát điện và tăng lợi thế dài hạn về tài chính.

Renewable Asset Management Vietnam là sự kiện hàng đầu xác định kỷ nguyên mới của phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Với hàng trăm khách tham dự là chuyên gia trong ngành, người xem có thể tìm hiểu về những phát triển mới nhất trên thị trường năng lượng mặt trời Việt Nam, bao gồm tác động của chính sách mới, chiến lược quản lý tài sản, năng lượng mặt trời trên mái nhà doanh nghiệp và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Vào ngày 15 tháng 10 năm 2020, Giám đốc Kinh doanh của Shire Oak International, Bà Clothilde Deneve, đã tham gia sự kiện với tư cách là diễn giả khách mời để thảo luận về các vấn đề quản lý tài sản năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Buổi thảo luận còn được góp mặt bởi đại diện của một số đơn vị:

  • Ethan Phan, Giám đốc điều hành, KTG Energy
  • Eric Fang, Giám đốc bán hàng, GoodWe (Người điều hành)
  • Hoàng Thị Uyên, CEO, SolarBK
  • Yudai Maeda, Giám đốc, afterFIT
  • Koldo Gutierrez, Trưởng phòng Quản lý Dự án, LYS Energy
  • Rohit Nanda, Trưởng khu vực Châu Á, Đầu tư Chính – Cơ sở hạ tầng, SMBC

Cùng khán giả khám phá bối cảnh phát triển của năng lượng mặt trời qua lăng kính của một nhà phát triển, bà Deneve đồng thời làm rõ những mối quan tâm của khán giả.

Bà thẳng thắn chia sẻ những thách thức mà một nhà phát triển như Shire Oak phải đối mặt trong việc xác định các nguồn đầu tư. Chi phí của ngân hàng địa phương rất cao, không lý tưởng cho đầu tư lâu dài. Mặt khác, các ngân hàng Quốc tế đòi hỏi chứng minh một danh mục đầu tư lớn trước khi cấp vốn cổ phần tư nhân. Họ sẽ không tiến hành đầu tư nếu gói không đạt ít nhất 40 MWp.

Một điều quan trọng nữa là phải cân đối giữa kỳ vọng cho các nhà đầu tư quốc tế và thực tế thị trường. Việt Nam là một quốc gia mới nổi và cũng vì vậy có nhiều bất cập. Các văn bản hành chính không phải lúc nào cũng được xử lý trơn tru. Rủi ro có thể đến từ EVN hoặc một số khách hàng không có uy tín. Tuy nhiên, nơi đây vẫn hứa hẹn rất nhiều lợi ích.

Trong phần hỏi đáp, bà Deneve đã làm rõ sự khác biệt giữa mô hình PPA (mua bán điện) và hợp đồng thuê mái che. Mặc dù cả hai lựa chọn đều mang lại lợi ích cho khách hàng, họ có thể căn cứ vào những tiêu chí mà SOI tư vấn để đưa ra lựa chọn tối ưu.

“Khách hàng địa phương thích thuê mái nhà hơn vì thoả thuận này rất đơn giản. Hợp đồng PPA có thể phức tạp để hiểu nếu họ không quen với các điều khoản hoặc không có luật sư nội bộ “, bà Deneve cho biết.

Tuy nhiên, tùy chọn “phức tạp” này lại có lợi tức cao hơn nhiều cùng với các lợi ích dài hạn khác.

“Các công ty quốc tế có xu hướng lựa chọn PPA để giảm lượng khí thải carbon của họ và tận hưởng lợi ích tài chính. Mô hình cho thuê mái nhà có thể sẽ không còn khả dụng sau FIT2”, nữ Giám đốc bán hàng giải thích.

Và bởi FIT2 sắp hết thời hạn, FIT3 đang là một chủ đề nóng trong thời gian gần đây. Mặc dù khó để biếtchính phủ Việt Nam có dự định gì trong năm tới, bà Deneve có chia sẻ ngắn gọn suy đoán của mình:

“Nhiều khả năng biểu giá sẽ giữ nguyên ở khu vực phía Bắc và giảm 10 – 15% với phía Nam. Thị trường đã thay đổi rõ rệt giữa FIT1 và FIT2, và tất cả các bên tham gia (EPC, nhà đầu tư, v.v.) đều thích nghi thành công để duy trì một thị trường lành mạnh và hấp dẫn. Tôi nghĩ điều tương tự sẽ xảy ra với FIT3, vì các bên trong ngành vẫn muốn tiếp tục phát triển ĐMT.”

Tình huống xấu nhất khi việc chính phủ ngừng hỗ trợ FIT hoặc giảm mạnh FIT, thị trường hẳn cũng chuyển mình theo hướng tương tự. Điện mặt trời trên mái nhà sẽ chỉ có lợi cho các đơn vị tiêu thụ điện lớn và các nhà máy hoạt động từ sáu đến bảy ngày một tuần. Hình thức Hợp đồng mua bán điện trực tiếp với một hệ thống ĐMT nằm ngoài khu xưởng sẽ trở thành cơn sốt ngay khi có mặt tại Việt Nam.