Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” (Dự án VN-PMR) được bắt đầu năm 2015 do Ngân hàng Thế giới tài trợ và có sự tham gia của các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Công Thương, Xây dựng. Trong khuôn khổ dự án VNPMR, nhiều nghiên cứu chuyên sâu nhằm đề xuất chính sách, công cụ quản lý nhà nước về thị trường các-bon đã được đề xuất, bao gồm cơ chế tạo tín chỉ, hệ thống giao dịch phát thải (ETS), phí/Thuế các-bon và cơ chế chứng chỉ xanh. Đây cũng là các công cụ định giá các-bon với cách tiếp cận sử dụng các cơ chế thị trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo đó, các cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm trả chi phí do đã phát thải KNK vào khí quyển.
Qua 5 năm thực hiện, đến nay, Dự án đã có những bước chuẩn bị cơ bản, tạo tiền đề cho việc hình thành các chính sách về thị trường các-bon.
Phát biểu tại Hội nghị, TS Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, hiện nay, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, phát thải khí nhà kính trên đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 6 lần so với mức đầu những năm 1990. Việt Nam có tổng mức phát thải khoảng 285 triệu tấn CO2 tương đương. Con số này, theo kịch bản phát thải thông thường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tính toán sẽ lên tới 927,9 tấn CO2 tương đương vào năm 2030.
Trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật gửi đến Ban thư ký Công ước khung về BĐKH hồi tháng 9 vừa qua, Việt Nam xác định sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải vào năm 2030 bằng nguồn lực trong nước và có thể giảm đến 27% khi có hỗ trợ của quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, nguồn lực tài chính cần có lên tới hàng chục tỷ USD. Một trong những phương thức để huy động nguồn lực xã hội một cách minh bạch và linh hoạt là định giá các-bon, bao gồm thuế các-bon, các cơ chế tạo tín chỉ, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon.
Dự án VN-PMR được đặt ra với mục tiêu tăng cường năng lực, xây dựng và phổ biến các chính sách, các công cụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA), hình thành công cụ thị trường, thí điểm NAMA tạo tín chỉ các-bon và xây dựng lộ trình tham gia thị trường các-bon trong nước và thế giới.
Một số phương án áp dụng công cụ định giá các-bon cho các ngành, lĩnh vực được đề xuất, song song với đánh giá sơ bộ tác động đến KT-XH của Việt Nam được hoàn thành nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách cân nhắc sử dụng.
Hiện tại, dự thảo Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn và thị trường các-bon nhằm hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2020 đã cơ bản quy định được trách nhiệm của các Bộ, ngành về kiểm kê, hệ thống báo cáo, thẩm tra (MRV), thiết lập hệ thống giao dịch phát thải ETS nội địa trong đó quy định rõ về trách nhiệm, quyền lợi (dưới hình thức một số ưu đãi về thuế, đầu tư…) của các bên liên quan.
Ngoài ra, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành Quyết định về danh mục các lĩnh vực, cơ sở phát thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong năm 2021. Các cơ sở này sẽ tham gia ETS. Dự án cũng đã đề xuất lộ trình cụ thể thực hiện giao dịch ETS tự nguyện vào năm 2027 và giao dịch bắt buộc từ năm 2029.
Cục trưởng Tăng Thế Cường cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia Chương trình “Đối tác thực hiện Thị trường các-bon” (PMI) do Ngân hàng Thế giới khởi xướng để hình thành và phát triển thị trường các-bon trong tương lai, đây là giai đoạn tiếp nối của VN-PMR để triển khai các công cụ thị trường tại các nước tham gia Chương trình.
Nguồn: Hanoi TV