Ngày 24/6, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp cùng Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Đóng góp thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh (GGS) và Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC)”.

Ông Nhơn Nguyễn, Giám đốc chiến lược của Shire Oak International, vinh dự được có mặt trong buổi thảo luận với vai trò là đại diện một đơn vị cung cấp giải pháp năng lượng tại Việt Nam.

Hội thảo đã chỉ ra những cơ hội để các bên liên quan tham gia vào kế hoạch triển khai GGS, NDC cũng như các chính sách liên quan để nâng cao cam kết giảm thiểu khí nhà kính, hướng đến mục tiêu phát thải cân bằng (Net Zero).

Theo báo cáo tại Hội thảo về Đóng góp thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh (GGS) và Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC) được Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp tổ chức, ước tính, biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang làm thiệt hại khoảng 1.600 tỷ USD mỗi năm và con số này có thể sẽ tăng lên hơn 4.000 tỷ USD vào năm 2030.

Những tác động tiêu cực của BĐKH đến Việt Nam là không thể phủ nhận. Theo PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện KH KTTV&BĐKH, trong những năm qua, kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam liên tục được cập nhật và cung cấp thông tin mới nhất về những biểu hiện, xu thế biến đổi trong quá khứ, đồng thời đưa ra dự tính BĐKH, nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam.

PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH.

Kịch bản năm 2016 đã chỉ ra rằng nhiệt độ, lượng mưa, bão mạnh đến rất mạnh đều có xu thế gia tăng. Nếu mực nước biển dâng 100 cm và không có các giải pháp ứng phó, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích Tp. Hồ Chí Minh và 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập cao. Điều này vẫn tiếp tục được khẳng định trong kịch bản cập nhật năm 2020.

Để giảm thiệt hại và đối phó có hiệu quả với những thách thức về biến đổi khí hậu, thỏa thuận Paris năm 2015 đã đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt trái đất ở mức thấp hơn 2 độ C và cố gắng hơn để hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức thấp hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Cùng lúc, nhằm đạt được mục tiêu này, đến tháng 2/2021 đã có 124 quốc gia công bố mục tiêu trung hòa carbon hoặc phát thải Cân bằng (Net Zero).

Tính đến tháng 6/2021, đã có 3067 doanh nghiệp, 733 thành phố, 173 quỹ đầu tư, 31 khu vực, 624 trường đại học, 37 viện y tế cam kết Net Zero. Bên cạnh đó, 124 quốc gia đã công bố mục tiêu trung hòa carbon hoặc phát thải cân bằng.

Tại hội thảo, đại diện Bộ KH&ĐT đã cập nhật tiến trình xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam cho giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; dự kiến sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 6 tới. Đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Viện KH KTTV&BĐKH cũng chia sẻ các nội dung Kế hoạch thực hiện NDC của Việt Nam và Kịch bản BĐKH và Nước biển dâng cập nhật năm 2020.

Xung quanh các nội dung này, các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng thảo luận về cơ hội tham gia thực thi Chiến lược Tăng trưởng xanh và NDC của đối tác trong và ngoài nước, Liên minh Hành động vì Khí hậu Việt Nam (VCCA), bao gồm mạng lưới hợp tác đa bên của các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, nhà cung cấp tài chính, cộng đồng người tiêu dùng, các cơ quan nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật, và các hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực năng lượng bền vững, phát triển xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Với sự hợp tác của những nhà đầu tư và phát triển dự án năng lượng tái tạo như Shire Oak International, Việt Nam có thể sở hữu một bộ hỗn hợp năng lượng cân bằng hơn – dần thu nhỏ lại thị phần của điện năng lượng hoá thạch.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể lồng ghép các mục tiêu dài hạn để đạt được phát thải cân bằng vào Chiến lược tăng trưởng xanh với những giải pháp cụ thể đến từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt là thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân. Với thế mạnh trong nghiên cứu chính sách, đại diện VCCA và Viện Khoa học KTTV&BĐKH khẳng định sẵn sàng hỗ trợ các Bộ/ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện các nghiên cứu và đánh giá về xây dựng và thực hiện lộ trình/kịch bản tăng trưởng xanh và các-bon trung tính, Net Zero, cung cấp dữ liệu tham khảo cho các nhà ra quyết định và hoạch định chính sách.

Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện các dự án truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng về thực hiện tăng trưởng xanh; tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, huy động sự tham gia, hỗ trợ và ghi nhận sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, ngân hàng thương mại, khu vực tư nhân trong triển khai thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh và NDC tại Việt Nam.

“Chính phủ cần có ý chí chính trị mạnh mẽ và tham vọng đủ lớn để đặt ra tầm nhìn cụ thể cho mục tiêu các-bon trung tính cho Việt Nam, bắt kịp với xu thế của thế giới. Tầm nhìn này sẽ là cơ sở cho việc xây dựng lộ trình, kịch bản và giải pháp để đạt được mục tiêu lớn hơn về Net Zero” – TS. Ben Rawson, Giám đốc Chương trình Bảo tồn và Phát triển, WWF-Việt Nam nhấn mạnh.

Nguồn: VOV